22/11/2024

Giới thiệu Tép sula: Cách chăm sóc và sinh sản

Ai cũng biết về tép anh đào, tép vàng đài hay tép ong rồi. Nhưng ít người biết đến dòng tép sula, lý do cũng khá đơn giản. Đây là dòng tép khó chơi, vậy nên chưa quá phổ biến trong cộng đồng thủy sinh.

Thank you for reading this post, don't forget to subscribe!

Để chăm sóc được loài tép này không chết, sống khỏe mạnh và sinh sản được thì bạn cần phải lưu ý đến vài thứ mình liệt kê trong bài viết này.


Đôi nét về tép sula

Tép sula thuộc chi tép Caridina (giống với tép ong, tép amano, tép mũi đỏ,…) .Loại tép sula phổ biến, dễ nuôi nhất là tép sula chân trắng (Caridina dennerli). Ngoài ra còn nhiều loài tép sula khác với mức độ khó nuôi từ dễ đến khó mình sẽ nói thêm ở bên dưới.

Tép sula là loài tép nhỏ, chỉ với kích thước trung bình chỉ vào khoảng 2.5cm.

Tép sula có nguồn gốc từ đảo Sulawesi – một đảo lớn của Indonesia. Chúng sống tại khu vực hồ Porso và hệ thống 5 hồ nhỏ ở Malili. Tại các hồ có rất nhiều loại tép sula khác nhau sống thành từng bầy riêng biệt. Khu vực hồ với tuổi đời lên đến triệu năm này có tính chất đặc biệt với hệ sinh học đa dạng không thể tìm thấy được ở nơi khác trên thế giới. Bởi lý do này đây là hồ có số lượng các loài đang nằm trong danh sách bị đe dọa nhiều nhất trên thế giới.

Hồ ở Sulawesi có nhiệt độ ấm gần như quanh năm, ít thay đổi và có thông số nước vô cùng đặc biệt. Đó là lý do tép sula đặc biệt nhạy cảm với thay đổi nước và cần nước bể được mô phỏng theo môi trường hồ Sulawesi để có thể sống được.

Tập tính của tép sula

Khi bạn mới mua và thả tép sula vào bể, chúng sẽ nhát, thường xuyên trốn sau đá, cây thủy sinh và chỗ tối trong bể. Vậy bạn nên cho tép nhiều chỗ để trốn, để tép sula có thể làm quen dần dần với môi trường mới.

Tép sula giống như mọi loài tép cảnh khác, là loài hiền lành, không gây sự với các loài khác trong bể.

Một khi tép đã quen với bể mới thì chúng sẽ liên tục bơi quanh bể để kiếm ăn.

Tép sula thích sống thành bầy hơn so với các loại tép cảnh khác. Đó là lý do khi bạn mới mua tép sula thì bạn nên mua chúng ít nhất là từ 6-10 con trở lên để cho tép bớt nhát và đỡ bị stress hơn.

Các dòng tép sula

Hệ thống hồ khu vực Sulawesi là nhà của nhiều loài tép khác nhau, trải đều từ hồ Porso cho đến 5 hồ khác khu vực Malli. Dưới là tên các loài tép sula với mức độ dễ chăm sóc từ thấp cho đến cao. Nếu bạn là người lần đầu nuôi tép bạn nên cân nhắc nuôi các dòng tép sula dễ trước.

Dòng tép sula phổ biến nhất mặc dù mới được phát hiện gần như là muộn nhất, vào năm 2007, đó là dòng tép sula chân trắng. Giống tên gọi, loài tép này có cặp càng màu trắng đằng trước nhìn như đang đeo găng tay, với thân hình màu đỏ đậm và các dải đốm trắng chạy dọc. Ngoài ra, còn có nhiều dòng sula khác, có thể kể đến là:

Các dòng tép sula mức độ dễ

  • Tép sula chân trắng
  • Tép sula blue poso
  • Tép sula white orchid

Các dòng tép sula mức độ trung bình dễ

  • Tép sula malili red
  • Tép sula three spot red

Các dòng tép sula mức độ trung bình

  • Tép sula mini blue
  • Tép sula red orchid
  • Tép sula galaxy
  • Tép sula six banded
  • Tép sula pink boxer

Các dòng tép sula mức độ trung bình khó

  • Tép sula yellow ring
  • Tép sula red tigri

Các dòng tép sula mức độ khó

  • Tép sula yellow cheek
  • Tép sula yellow nose

Các dòng tép sula mức độ rất khó

  • Tép sula harlequin
  • Tép sula redline
  • Tép sula blue ghost

Cách chăm sóc cho tép sula

Chăm sóc cho tép sula không phải là việc đơn giản. Công đoạn khó nhất đó chính là tạo môi trường sống với thông số nước phù hợp để nuôi chúng. Loài tép này đến từ hồ cổ với môi trường không giống bất kì đâu trên thế giới. Vậy nên chúng không thể sống tốt được trong những bể thủy sinh bình thường. Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý để tạo được môi trường nuôi tép sula

Kích thước bể nuôi

Bởi vì đây là loài tép nhỏ và chúng thích sống theo bầy, vậy nên bạn không cần phải nuôi chúng trong bể quá to. Tuy nhiên, bể cũng không nên quá bé. Bởi bể bé sẽ dễ bị thay đổi môi trường, dễ dàng khiến cho tép bị stress và chết, đặc biệt là tép sula. Bể to càng to sẽ càng ổn định hơn. Một số người đã nuôi thành công tép sula trong những bể có thể tích chỉ 15 lít. Tuy vậy, mình khuyên bạn nên sử dụng bể với thể tích tối thiểu là 40 lít trở lên.

Khi mua tép sula thì bạn nên mua từ 10 con trở lên. Loài tép này thích sống theo bầy và chúng sẽ đỡ nhát hơn nếu có nhiều đồng loại.

Một lý do nữa để nuôi tép trong bể to là Sula có đặc tính rất đặc biệt là đến khi đàn đủ số lượng cá thể nhất định theo tỷ lên bể sẽ cơ chế tự giảm đàn, chỉ giữ lại các con khỏe và loại toàn bộ bọn yếu hơn.

Thông số nước nuôi tép sula

Tép sula chỉ có thể sống và thoải mái khi bể đạt được thông số nước nhất định, giống với môi trường sống tự nhiên của tép.

Nước bể nuôi tép sula cần phải ấm, hơi mang tính kiềm, nước không có nhiều muối nên vẫn được coi là nước ngọt. Cụ thể, thông số là:

  • – Nhiệt độ: 26 – 32 ° C (dao động trong ngày ko quá 2 độ)
  • – pH: 7.5 – 8.5
  • – gH: 7-10
  • – kH: 3-6
  • – TDS: 140-200

Để đạt được thông số nước như thế này tốt nhất là bạn nên sử dụng nước lọc RO và kết hợp với sử dụng khoáng chuyên dụng cho tép sula như là Saltyshrimp Sulawesi Minerals. Loại khoáng tép này có thể giúp mô phỏng lại gần đúng được môi trường nước khu vực hồ ở Sulawesi, cung cấp các loại khoáng cần thiết và đưa độ pH lên được 8. Có hai loại khoáng đó là muối khoáng 7.5  và muối khoáng 8.5 . Vậy bạn nên chọn loại khoáng nào trong hai loại này? Muối 7.5 dễ tan trong nước hơn, tuy nhiên sẽ khó đưa nước lên mức pH 8. Muối 8.5 khó tan trong nước hơn, dễ đưa nước lên mức pH 8 hơn.

Nếu bạn chỉ định những loại tép sula với mức độ chăm sóc dễ như là tép sula chân trắng thì bạn nên sử dụng muối 7.5. Lý do bởi muối 7.5 dễ dùng hơn và tép sula chân trắng có thể sống khỏe, sinh sản trong môi trường nước sử dụng muối 7.5.

Nếu bạn nuôi các dòng tép mức trung bình khó trở lên thì bạn nên sử dụng muối 8.5. Để pha nước nuôi loại tép này thì bạn chỉ cần loại muối này cùng nước lọc RO và không cần gì khác.

Muối 7.5 dễ pha hơn, bạn chỉ cần pha 3.5g muối cho 15 lít nước, khuấy cho muối tan là có thể sử dụng được. Tuy vậy, mình khuyên các bạn vẫn nên để chậu nước cùng phòng với bể nuôi tép để nhiệt độ nước cân bằng với nhau trước khi cho vào bể. Nếu toàn bộ muối 7.5 chưa tan hết thì cũng không sao, bạn để nó lắng xuống đáy bể cũng được.

Muối 8.5 thì khó tan hơn nhiều. Liều lượng pha muối là 3g cho mỗi 20 lít nước. Bạn có thể bơm CO2 vào nước với liều lượng 1 giọt 1 giây và phải mất 3-4 ngày để muối có thể tan hết. Trước khi cho vào bể thì bạn phải sủi mạnh nước trong 3 tiếng để CO2 trong nước bay hết. Lưu ý rằng trộn muối 8.5 bằng nước sôi sẽ không hiệu quả, khi đó muối vẫn không thể tan hết và sẽ đọng lại dưới thành bể.

Nền nuôi tép sula

2 loại nền mình thường và nhiều người nuôi tép sula khác thường xuyên sử dụng nhất là onyx và sula sand.

Nền Seachem Onyx Sand hạt mịn, Gravel hạt to là loại nền thích hợp cho các dòng cá, tép sula, tép màu… cần giữ độ pH nước ở ngưỡng cao. Nền Seachem Onyx giàu cacbonat (kH), giúp pH ổn định trong khoảng 7.0 đến 8.3 (tùy nguồn nước đầu vào).

Nền SL-Aqua Sula Sand Volcanic Rock hay còn gọi là nền Sulawesi Sand – là chất nền cao cấp được khai thác tự nhiên từ quần thể các đảo Sulawesi (Indonesia). Đây là bộ nền chuyên dụng để nuôi tép sula, giúp ổn định chỉ số pH ở mức trung tính và cung cấp các nguyên tố vi lượng thiết yếu cần thiết.

Bạn có thể trải nền dày 0.5-2cm cho bể tép sula tùy ý. Trải nền mỏng sẽ giúp bạn dễ vệ sinh nền hơn. Nền dày sẽ giúp giữ thông số bể được ổn định hơn.

Lọc cho bể tép sula

Bộ lọc là thiết bị cực kì quan trọng, chúng không chỉ giúp lọc nước cho bể mà còn giúp thiết lập hệ vi sinh, xử lý các chất gây hại tích tụ trong bể và cung cấp Oxy cho tép.

Lọc vi sinh là loại lọc nhiều người sử dụng để nuôi tép sula. Bộ lọc bao gồm một máy sủi, bộ lọc vi sinh và một ít vật liệu lọc sinh học.

Với những bể 40cm thì bạn nên sử dụng hai lọc vi sinh. Những bể lớn hơn thì bạn nên sử dụng lọc treo hoặc là lọc thùng để có thể đảm bảo đủ lưu lượng lọc cho bể. Khi sử dụng lọc treo hay lọc thùng bạn cần có đầu bịt đầu in để tránh hút phải tép cũng như là tép con.

Ánh sáng

Tép sula không yêu cầu quá cao về ánh sáng. Vậy nên bạn không cần một cái đèn quá xịn xò. Tuy nhiên, theo ý mình thì bạn cũng nên đầu tư một chiếc đèn tốt thay vì mua loại đèn rẻ nhất để đảm bảo chất lượng và độ bền. Trước mình cũng ham đèn rẻ lắm, nhưng mua được 4 cái thì hỏng 2 rồi.

Đèn nên có thêm ổ cắm hẹn giờ để có thể điều chỉnh thời gian chiếu sáng ổn định hơn. Đèn nên được chiếu sáng ổn định hàng ngày, tốt nhất là khoảng 10-12 tiếng để bể có thể lên được rêu.

Cho gì vào bể tép

Môi trường sống tự nhiên của tép không có nhiều lũa và cây thủy sinh nên bạn không cần phải trồng cây hoặc cho lũa vào bể cá. Môi trường sống của chúng có nhiều đá với nhiều chỗ trốn.

Bạn có thể cho thêm lũa và cây nếu muốn. Bạn cần đảm bảo lũa đã được luộc, ngâm kĩ để tránh nhả tannin vào nước và hạ pH của bể.

Hơn nữa là không phải loại cây nào cũng có thể sống được trong bể nuôi tép sula. Một số loại cây khỏe có thể trồng được là ráy và tiêu thảo.

Sưởi

Bạn không nhất thiết phải sử dụng sưởi khi nuôi tép sula tại Việt Nam bởi khí hậu Việt Nam phù hợp để nuôi loại tép này. Tuy vậy, nếu muốn bạn vẫn có thể đầu tư thêm sưởi nếu muốn kiểm soát nhiệt độ bể tốt hơn và muốn tép cảm thấy thoải mái hơn vào mùa đông.

Cycle cho bể tép sula

Bước cuối khi làm bể và trước khi thả tép là cycle bể, tức là đảm bảo cho hệ vi sinh có thể phát triển. Bạn có thể châm thêm vi sinh bột trong quá trình này.

Bạn nên chạy lọc cho bể trong vòng ít nhất là 1 tháng. Tép sula là loài tép nhạy cảm với môi trường nước hơn các loài khác nhiều. Đó là lý do mình khuyên các bạn cycle cho bể lâu nhất có thể. Trong quá trình cycle bạn nên mở đèn 24 tiếng một ngày trong vòng 3 tuần đầu để kích thích cho rêu tự nhiên mọc, tạo nguồn thức ăn cho tép.

Bạn cùng bể với tép sula

Do môi trường sống đặc biệt nên không phải loài nào cũng có thể nuôi chung được với tép sula. Tuy vậy, không có nghĩa là tép sula  phải sống một mình. Bạn có thể nuôi chung chúng với tép màu hoặc là ốc sula. Ngoài việc làm bể thêm đa dạng thì các loài nuôi chung này có thể giúp tép sula sống tốt hơn. Cụ thể là:

  • Tép màu giúp cho tép sula đỡ nhát hơn. Tép sula đôi khi có thể sẽ từ chối ăn thức ăn công nghiệp. Nếu bạn nuôi tép màu thì tép màu sẽ lao vào ăn các loại thức ăn đó trước, tép sula khi thấy vậy nhiều khi cũng bắt chước hành vi này. Đó là cách bạn có thể giúp cho tép sula tập ăn các loại thức ăn chuyên dụng dành cho tép.
  • Ốc sula là loài sống chung với tép sula ngoài tự nhiên. Có một số người nói rằng tép của họ sống tốt hơn nếu được nuôi chung với ốc sula (có thể là do chúng có mối quan hệ cộng sinh tốt, vi sinh tốt từ hệ tiêu hóa của ốc có thể cũng giúp ích được cho tép sula)

Chọn nguồn tép sula

Bạn đã làm đúng các bước như trên nhưng tép vẫn chết lai rai? Đôi khi có thể là do tép bạn mua được đánh bắt ngoài tự nhiên. Tép tự nhiên sẽ có tỉ lệ tử vong nhiều hơn nhiều so với tép đã được thuần để nuôi tại bể trong nhà.

Cách để bạn đảm bảo được tép mình mua là được được thuần, lai tạo tại bể nhân tạo là tép được đánh bắt ngoài tự nhiên thì chỉ có size trưởng thành từ 2.5 -3 cm và không có tép nhỏ. Dĩ nhiên là cũng có những trường hợp người bán lọc chọn tép lớn bán nên bạn không chỉ dựa vào cách này để nhận biết được. Cách tốt hơn là bạn chọn mua từ những nguồn tép uy tín.

Tép sula ăn gì? Thức ăn tốt nhất cho tép sula

Ngoài tự nhiên, thức ăn chủ yếu của tép sula là các loại rêu tảo, thực vật phân hủy. Tép thích ăn chế độ ăn rau củ quả hơn là các loại đồ ăn giàu đạm.  Sulawesi  là dòng tép rất kén ăn. Đặc biệt những loại đồ ăn chất lượng thấp/ tỷ lệ đạm rau quá chênh lệch/ không có mùi thì chắc chắn không bao giờ động vào.

Một số loại thức ăn tốt là:

  • Rêu xanh tự nhiên: Rêu tự nhiên cùng với các loại màng sinh học trên kính, đá, lũa, là cây là thức ăn tốt cho tép. Đó là lý do trước khi thả tép bạn cần đánh đèn cho bể trước để bể có thể lên rêu – tạo nguồn thức ăn tự nhiên, ổn định cho tép. Bể nhiều rêu cũng giúp mô phỏng môi trường sống tự nhiên của tép, giúp chúng cảm thấy thoải mái hơn.
  • Thức ăn chuyên dụng cho tép. Các loại thức ăn chuyên cho tép, được sản xuất, đóng gói bởi các hãng uy tín có thể giúp bạn bổ sung dinh dưỡng và khoáng cho tép, như là protein, canxi, vitamin, chất xơ,…
  • Rau củ quả luộc. Các loại rau củ quả luộc tươi như là rau cải xoăn, dưa chuột, cà rốt, xà lách,… cũng có thể giúp bổ sung thêm dưỡng chất và khoáng cho tép. Bạn cũng có thể thả thêm lá khô như là lá bàng, lá ổi rửa sạch vào bể tép để tạo màng sinh học và thức ăn cho tép. Lá bàng cũng có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, phòng tránh bệnh trong bể.
  • Thức ăn dạng bột: Thức ăn dạng bột sẽ phù hợp khi bạn nuôi tép con, giúp chúng dễ kiếm thức ăn, dễ hấp thụ dinh dưỡng hơn, giúp tăng tối đa tỉ lệ sống sót của tép con.

Tép sula đôi khi có thể từ chối không ăn thức ăn công nghiệp, chế biến sẵn. Đó là lý do bạn có thể thử nuôi chung tép màu như là tép anh đào hoặc tép loạn màu chung với tép sula để chúng có thể bắt chước hành vi ăn thức ăn công nghiệp của tép màu.

Thay nước cho bể tép

Lượng nước tối ưu để thay cho bể tép là vào khoảng 10-20% lượng nước bể một tuần, kết hợp với hút cặn đáy. Nếu bạn không có nhiều thời gian chăm sóc thì bạn có thể thay hai tuần một lần nhưng không được để lâu hơn.
Thay nước là cách để loại bỏ các loại chất độc tích tụ trong nước, điển hình là NO3.

Mẹo nữa để thay nước cho bể tép sula là bạn tránh đổ nước mới trực tiếp vào hồ bởi có thể làm cho tép bị sốc nước. Bạn nên sử dụng một ống nước nhỏ, loại dùng cho máy oxy để làm chậm dòng chảy của nước. Sau đó bạn hãy cho nước chảy từ từ vào bể để tép có thể làm quen dần với nước mới.

Sinh sản tép sula

Đã nhiều người thử nuôi tép sula sinh sản tại bể cá tại nhà, một số người đã thành công, một số khác thì thất bại. Bạn hoàn toàn có thể nuôi được tép sula sinh sản, vấn đề là chỉ tốn thời gian mà thôi.

Tép sula chỉ có thể mang trứng khi mà chúng cảm thấy thoải mái. Tép sula cũng sẽ mang ít trứng hơn các loại tép thông thường khác và có tỉ lệ sinh sản thấp hơn.

Miễn là bạn có tép đực và tép cái trong bể với môi trường tốt thì chúng sẽ sinh sản vào một lúc nào đấy. Tép cái trong một lần có thể đẻ 15 trứng và mang trứng ở vây bơi dưới bụng.

Sau khoảng 20 ngày thì trứng tép sẽ nở. Tép con sẽ có nhu cầu chăm sóc y hệt tép trưởng thành. Chỉ khác là chúng sẽ nhạy cảm với thông số và chất độc trong nước hơn. Trong thời gian nuôi tép con thì bạn cần phải giữ cho bể sạch và ổn định nhất có thể.


Kết lại

Tép sula là loài khó nuôi nhưng nếu bạn đảm bảo được những nhu cầu tối thiểu của tép được đáp ứng thì bạn vẫn hoàn toàn có thể nuôi được tép và giúp chúng sinh sản. Dưới là tổng hợp những điểm bạn cần lưu ý để giúp cho tép sula khỏe mạnh:

  • Nuôi tép bể đủ lớn với số lượng đúng
  • Nuôi dòng tép dễ nuôi như là tép sula chân trắng
  • Sử dụng khoáng chuyên dụng cho tép sula
  • Sử dụng bộ nền tốt để nước ổn định
  • Sử dụng bộ lọc tốt
  • Chiếu sáng đều đặn và nhiều để bể lên được rêu
  • Cycle cho bể đầy đủ trước khi thả tép