23/11/2024

Cách làm tăng và giảm tds cho bể tép

Cách làm tăng và giảm tds cho bể tép

Độ cứng tds để chỉ tổng chất hòa tan trong nước. Thông thường khi nước có độ tds cao chưa chắc nước đã có độ cứng GH cao. Hai thông số này tương đối khác nhau. 

Thank you for reading this post, don't forget to subscribe!

Thông số TDS chỉ để chỉ hàm lượng chất hòa tan mà không nói lên được trong đó có những chất gì. Tuy vậy, tds là thông số dễ đo và có thể giúp chúng ta dường nào ước lượng được hàm lượng chất rắn có trong nước nếu bạn sử dụng nước lọc RO.

Lý do chúng ta đo TDS

Đầu tiên là đo TDS rất dễ, bạn chỉ cần một chiếc bút đo TDS là có thể đo được độ cứng TDS trong vài giây, từ đó có thể giúp bạn biết được nước đang có bao nhiêu chất hòa tan. Khi bạn nhận thấy hàm lượng TDS thay đổi tức là đang có gì đó không ổn trong bể.

Khi bạn sử dụng nước lọc RO để nuôi tép và châm thêm khoáng. Thông số TDS có thể giúp nói lên gần như chính xác hàm lượng khoáng có trong nước.

TDS, GH và KH

Thông số TDS chỉ để chỉ hàm lượng chất hòa tan mà không nói lên được trong đó có những chất gì.

GH để chỉ lượng canxi và magie hòa tan trong nước.

KH hay Độ cứng carbonat (thường ký hiệu là CH: Carbonate Hardness) là độ cứng gây ra bởi hàm lượng Ca2+, Mg2+ tồn tại dưới dạng HCO3-. Độ cứng cacbonat còn được gọi là độ cứng tạm thời vì nó có thể được giảm bằng nhiều phương pháp đơn giản.

Tép cảnh cần phải có đúng lượng khoáng cần thiết để có thể phát triển khỏe mạnh. Thông số TDS từ nước máy của bạn có thể sẽ không chỉ rõ đúng thành phần Canxi và Magie có trong nước vậy nên bạn cần để ý kỹ đến việc tép lột vỏ để nhận thấy dấu hiệu tép bị thiếu khoáng để có thể chữa trị sớm.


Tại sao TDS trong bể lại bị tăng

TDS trong bể sẽ tăng khi có bất kì thứ gì hòa tan vào nước, TDS có thể bị tăng do các nguyên nhân sau:

  • Nước bể bị bốc hơi
  • Thêm thuốc khử độc vào nước
  • Phân nước
  • Thức ăn thừa phân hủy
  • Cây thủy sinh chết phân hủy
  • Tannin
  • Khoáng từ đá

Nước bốc hơi

  • Khi nước trong bể cá bốc hơi, khoáng và muối trong bể sẽ không bốc hơi cùng mà ở lại trong bể. Nếu bạn chỉ thêm nước vào và không thay nước thì nước sẽ ngày càng cứng hơn, khiến cho thông số TDS bị tăng.
  • Nếu bạn thêm nước vào bể mà không thay thì bạn nên thêm nước lọc RO.

Bạn vừa sử dụng thuốc/ phân bón

  • Bạn có thể thấy TDS tăng khi bạn sử dụng thuốc, có thể là các loại thuốc dưỡng tép, cá hoặc là các loại thuốc khử độc nước. Thông số TDS có thể sẽ tăng giảm trong vài phút, bạn nên đợi vài tiếng trước khi đo lại.
  • Thêm phân nước vào bể cũng làm tăng TDS. Trong phân nước có thể chứa dinh dưỡng, khoáng để cây hấp thụ.

Chất hữu cơ phân hủy

  • Lá cây, thức ăn thừa, phân tép phân hủy có thể phân hủy, tạo ra ammonia, từ đó làm tăng TDS tạm thời trong bể. Ammonia khi đó sẽ được vi sinh có lợi chuyển hóa thành nitrite và thành nitrate.
  • Cây cối, rêu có thể sử dụng nitrate để làm nguồn dinh dưỡng để phát triển.

Tannin

  • Khi bạn thêm lá khô, lũa vào hồ tép, chúng có thể giải phóng tannin, khiến cho nước nâu hơn, làm giảm pH nước và tăng TDS một tẹo.
  • Tannin là chất có nhiều lợi ích nên bạn không cần phải quá lo lắng nếu như thấy nước bị đổi màu.

Do khoáng và muối từ đá

  • Một số loại đá có thể nhả khoáng và muối dần dần vào nước, khiến cho độ cứng của nước bị tăng.

Cách làm giảm TDS cho hồ tép

1. Sử dụng nước lọc RO

Nếu bạn thấy mức TDS trong bể tép đang cao hơn mức bình thước thì bạn có thể đổ thêm nước hoặc thay một phần nước bể tép bằng nước lọc RO. Khi sử dụng nước lọc RO, bạn cũng nên châm thêm khoáng để tránh tình trạng tép bị thiếu hụt khoáng.

Sử dụng nước lọc RO có thể giúp loại bỏ 95-98% lượng khoáng có trong nước.

Lưu ý khi sử dụng nước lọc RO:

  • Nếu Bạn không muốn châm thêm khoáng thì bạn chỉ nên thay khoảng 10-15% lượng nước bể với nước lọc RO.
  • Bạn cần tránh thay quá 50% lượng nước bể một lần. Khi thay nước, bạn nên đảm bảo nước mới có chung nhiệt độ với nước cũ.

2. Thay nước định kì

TDS có thể bị tăng theo thời gian nếu bạn chỉ đổ thêm nước mà không thay. Bởi khoáng trong nước chỉ có thể được loại bỏ bằng cách thay nước. Thay nước, hút cặn đáy không chỉ giúp loại bỏ khoáng tích tụ mà còn giúp loại bỏ nitrate trong nước.

Lượng nước bạn cần thay cho bể tép là vào khoảng 10-15% lượng nước bể mỗi tuần.

3. Kiểm soát lượng thức ăn cho tép

Bạn nên tránh cho tép ăn quá nhiều. Cho tép ăn nhiều có thể làm gia tăng lượng chất thải, thức ăn dư thừa và làm tăng TDS.

Đối với các loại đồ ăn chứa nhiều protein như là thức ăn khô cho cá hoặc là một số loại đồ ăn cho tép có chứa protein, bạn chỉ nên cho tép vừa đủ để ăn hết trong vòng 2 tiếng.

Nếu để thừa thì thức ăn chứa protein nhiều sẽ nhanh chóng làm bẩn nước và rất dễ tạo sán.

Đối với các loại đồ rau củ quả luộc thì tép nên ăn hết trong vòng 24 tiếng. Nếu bạn để ý thấy tép để lại thức ăn thừa sau khoảng thời gian này thì bạn cần phải hút thức ăn ra. Nếu bể có nhiều rêu thì bạn chỉ cần cho ăn ngày một lần hoặc hai ngày một lần. Nếu bể quá sạch, không có rêu thì bạn nên cho tép ăn 2 lần một ngày.

4. Sử dụng vật liệu lọc carbon

Vật liệu lọc carbon có thể giúp xử lý một số loại chất hòa tan trong nước. Sử dụng vật liệu lọc carbon có thể giúp TDS trong nước giảm đáng kể.

Tùy thuộc vào độ sạch của bể mà bạn phải thay vật liệu lọc than hoạt tính thường xuyên. Thông thường thì chúng nên được thay sau khoảng 6-12 tháng.


Cách làm tăng TDS cho bể tép

1. Châm thêm khoáng cho tép

Khoáng trong nước không chỉ giúp cho tép hấp thụ canxi tốt hơn, tránh được việc lột xác không thành công và còn giúp cho lớp vỏ của tép nhanh chóng cứng lại hơn sau khi lột vỏ. Khoáng cũng đồng thời giúp cho tép phát triển tốt và khỏe mạnh hơn.

Hiện nay có nhiều loại khoáng cho tép có mặt trên thị trường có thể giúp cho bạn bổ sung thêm độ cứng trong nước. Bạn không cần thiết phải sử dụng loại khoáng quá đắt, khoáng như là nutrafin là đủ dùng rồi.

2. Sử dụng vỏ trứng

Có một cách khác nữa là để bạn có thể bổ sung khoáng cho nước là sử dụng vỏ trứng.

Trong vỏ trứng gà có chứa tới 94% là canxi cacbonat và các loại khoáng khác như magie, boron, sắt, kẽm,… có thể giúp bổ sung dinh dưỡng cho tép. Cách làm như sau:

  • Đầu tiên là bạn luộc vỏ trứng trong vòng 5-10 phút để diệt vi khuẩn.
  • Để cho vỏ trứng khô lại.
  • Nướng vỏ trứng trong lò vi sóng, lò nướng để giúp cho vỏ trứng hoàn toàn khô lại và giòn. Nướng cũng giúp bạn đốt lớp màng dính trên vỏ trứng.
  • Cho vỏ trứng vào máy xay và xay đến khi chúng nhuyễn thành bột.
  • Cho một ít bột vỏ trứng vào trong bể tép. Thế là xong rồi đó, bạn đã giúp cho nước bể có thêm canxi để tép dễ hấp thụ hơn

Lưu ý: ban đầu vỏ trứng có thể nổi nhưng chúng sẽ sớm chìm xuống sau đó.

3. Nang mực sấy khô

Nang mực sấy khô thường được bán làm thuốc nhưng bạn có biết bạn có thể sử dụng chúng để cung cấp thêm khoáng cho tép không? Bạn có thể mua nang mực khô trên mạng, cắt chúng thành miếng nhỏ và đặt hòn đá lên để chúng chìm xuống bể. Sau vài ngày, nang mực sẽ ngấm nước và tự chìm xuống.

Chúng có cấu tạo chủ yếu từ Canxi Cacbonat, tuy nhiên lại khá mềm, có thể giúp cung cấp thêm canxi cho tép, giúp tép lột vỏ dễ hơn. Nang mực cũng giúp nhả khoáng từ từ vào trong nước.


Lượng TDS phù hợp cho tép cảnh

Mỗi loại tép cảnh sẽ cần lượng TDS khác nhau, dưới là bảng thông số TDS cần thiết để nuôi mỗi loại tép.

TDS quá cao thì sẽ làm sao?

Lượng TDS phù hợp ngoài cung cấp đủ khoáng cho tép mà còn giúp cho tép điều hòa thẩm thấu tốt hơn.

  • Khi độ TDS trong môi trường quá cao, cao hơn TDS trong nươig tép thì nước sẽ liên tục đi vào trong cơ thể của tép. Thông thường thì tép đã luôn cần phải đẩy nước ra ngoài cơ thể liên tục, TDS tăng cao có thể khiến cho tép bị stress, làm ảnh hưởng đến pH máu ,hệ thống tiêu hóa, hệ miễn dịch của tép.
  • Tép có thể bị khó hô hấp, lấy oxy trong môi trường tds cao.
  • Lượng khoáng trong nước quá cao có thể làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của tép.
  • Lượng khoáng cao có thể gây đục nước.

TDS quá thấp thì làm sao?

Tép khi bị thiếu khoáng sẽ sinh sản kém hiệu quả hơn, khoáng có ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng của trứng. Ngoài ra, khoáng cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chống oxy hóa, phân chia tế bào, cải thiện sức đề kháng. Tép bị thiếu khoáng sẽ yếu, dễ bị bệnh hơn, cả những bệnh về ngoài vỏ hoặc là nhiễm trùng, vi khuẩn bên trong.

Loài Thông số TDS phù hợp
Tép màu 150-250
Tép lạnh 100-189
Tép tiger 120-220
Tép sula 200-260

 

Thiếu khoáng cũng dẫn đến các vấn đề về hình thành vỏ của tép. Khiến cho vỏ quá mềm, mỏng, dẫn đến tình trạng vỏ bị dễ vỡ, tép bị hở cổ khi lột vỏ. Hoặc tép khi lột vỏ xong sẽ có vỏ mỏng. Khoáng trong nước cũng giúp tép hình thành sắc tố trên thân dễ hơn.

 


Tổng kết lại thì một số dấu hiệu nhận biết tép thiếu khoáng là:

  • Tép sinh sản kém
  • Tép yếu, dễ bị bệnh
  • Tép bị mất màu
  • Tép bị hở cổ
  • Tép con bị chậm lớn