23/11/2024

Tép cảnh bị nấm trắng, đốm trắng: nguyên nhân và cách điều trị

Tép cảnh bị nấm trắng, đốm trắng: nguyên nhân và cách điều trị

Nếu bạn muốn nuôi tép thì bạn cần phải biết cách giữ cho nước sạch. Đôi khi, nước bể có thể bị bẩn, từ đó khiến tép bị yếu và dễ bị bệnh hơn. 

Thank you for reading this post, don't forget to subscribe!

Tép có thể bị nhiễm khuẩn, kí sinh trùng. Một khi bạn nhận thấy tép bị các dấu hiệu bệnh thì bạn cần phải hành động nhanh để chữa trị và tránh việc bệnh lây lan. 

Một trong số những căn bệnh tép có thể mắc phải là bị nấm trắng hay còn có tên gọi khác là bị kí sinh trùng Vorticella. Trong bài viết này mình sẽ nói về cách nhận dạng và chữa trị căn bệnh này.


Ký sinh trùng Vorticella là gì

Vorticella là một loài sinh vật nhân thực đơn bào. Vào giai đoạn đấu trong vòng đời, chúng bơi tự do trong nước.

Về sau, loài ký sinh này sẽ phát triển thêm thân bám, có khả năng bám lên đá, cây thủy sinh và tép.

Thường thì chúng không gây nguy hiểm cho tép ngoài việc làm tép bị xấu. Vorticella sẽ không lấy dinh dưỡng từ tép. Thay vì đó, thức ăn chủ yếu của chúng là các loài vi sinh có trong nước. Tuy nhiên, nếu chúng phát triển với số lượng lớn thì loài ký sinh này có thể phát triển vào mang của tép, khiến tép gặp vấn đề về hô hấp và có thể chết.

Dấu hiệu tép bị nấm trắng

Bạn có thể phát hiện dấu hiệu tép bị bệnh dựa vào ngoại hình hoặc là hành vi của tép.

Khi tép bị bệnh, trên người chúng sẽ xuất hiện những lớp bông xù trắng, nhìn giống như là nấm. Đó là lý do nhiều người hay nhầm căn bệnh này bị gây ra bởi nấm.

Bạn có thể thấy lớp bông ở phía trên đầu, giữ hai mắt hoặc là trên râu của tép.

Đôi khi loài ký sinh này cũng có thể mọc phía đốt chân và phía dưới thân của tép.

Nếu căn bệnh này phát triển mạnh thì tép có thể sẽ có một số hành vi kì là khác. Có thể kể đến là tép bơi thất thường, bơi ngửa, bơi thành vòng tròn,

Tép bị bệnh cũng có thể sẽ bị stress và bỏ ăn.

Lý do tép bị nấm trắng

Bạn cần phải tìm hiểu nguyên nhân gián tiếp cũng như trực tiếp gây bệnh cho tép để có thể giải quyết tận gốc vấn đề.

Như đã nhắc đến bên trên, thức ăn chủ yếu của loài kí sinh trùng này là vi sinh vật, động vật nguyên sinh nhỏ. Chúng bám trên người tép và kiếm thức ăn từ môi trường xung quanh.

Khi nước bể bị bẩn, nước sẽ bị bùng phát vi khuẩn. Ngoài ra, phân và thức ăn thừa cũng kích thích các loại sinh vật, vi sinh khác phát triển.

Khi đó, loài kí sinh gây bệnh nấm trắng sẽ có nguồn thức ăn dồi dào để phát triển, xâm chiếm bể tép.

Nước có thể cũng sẽ bị bùng phát vi khuẩn nếu bị thiếu chăm sóc, bộ lọc không đủ tốt.

Nguyên nhân cuối cùng khiến tép dễ bị bệnh là do chúng bị stress. Khi tép bị stress, hệ đề kháng của tép cũng bị giảm, từ đó khiến chúng dễ bị mắc ký sinh hơn.


Cách chữa tép bị bệnh nấm trắng

Căn bệnh này không quá nghiêm trọng, tuy nhiên, chúng có thể lây được. Đó là lý do trước khi chữa trị cho tép bạn cần tách chúng ra bể riêng.

Để chữa bệnh cho cá thì có 3 cách bạn có thể sử dụng, đó là dùng muối, lá bàng hoặc các loại thuốc khác để trị kí sinh.

1.Tắm muối cho tép

Bạn hãy chuẩn bị 1 lít nước sạch được khử clo. Sau đó cho thêm tầm 50g muối tinh, đảo đều cho đến khi muối tan hoàn toàn.

Sau khi muối đã tan hoàn toàn được 10 phút, bạn hãy bắt tép bị bệnh ra, nhẹ nhàng nhúng vào bể muối trong vòng 10 giây, sau đó thả lại vào bể cách ly. Nếu sau 2 ngày không thấy khỏi thì bạn hãy tắm muối cho tép lần nữa.

2. Sử dụng tannin từ lá bàng khô

Nếu bạn đã từng nuôi cá betta thì bạn có lẽ cũng đã biết đến lá bàng khô và công dụng của nó.

Tannin được giải phóng từ lá bàng có tác dụng diệt khuẩn, nấm, virus và giúp cho cá bị thương lành nhanh hơn.

Trong lá bàng có chứa flavonoid. Đây là một chất giúp cho rau củ quả có màu sắc. Có một chất flavonoid mà lá bàng có rất nhiều, đó là quercetin. Quercetin có chức kháng khuẩn, kháng nấm.

Lá bàng khô cũng có hiệu quả tốt trong việc trị các loài kí sinh trên tép như là nấm trắng.

Để sử dụng nước lá bàng khô thì bạn nên tắm nước lá bàng cho tép hoặc là cho trực tiếp lá vào bể nuôi để diệt nguồn bệnh. Bạn lưu ý là không nên thả quá nhiều lá bàng vào bể, tránh trường hợp tannin bị nhả quá nhiều vào nước, khiến cho độ pH trong bể bị giảm đột ngột.

Để sử dụng lá bàng thì bạn hãy cho tầm 3 lá cho mỗi 3 lít nước bể. Vào ngày hôm sau, nước bể sẽ dần vàng lại. Nếu thành công thì bạn có thể sẽ thấy tép khỏi bệnh sau vài ngày.

3. Sử dụng thuốc trị kí sinh

Bạn có thể sử dụng thuốc kháng khuẩn như là api melafix  – đã được thử nghiệm, cho thấy an toàn cho tép nếu được sử dụng đúng liều lượng.

Sử dụng loại thuốc này sẽ không làm ảnh hưởng đến màu sắc của bể hay là làm thay đổi độ pH. Bạn lưu ý là nên bỏ vật liệu lọc hoá học ra khỏi lọc nếu muốn sử dụng thuốc.

Cách sử dụng như sau:

  • Sử dụng 5ml thuốc cho mỗi 30 lít nước
  • Chữa bệnh cho tép trong vòng 7 ngày
  • Sau 7 ngày, thay 25% lượng nước bể

Loại thuốc này cho thấy hiệu quả trong việc chữa trị vorticella.


Cách ngăn bệnh quay trở lại

Đương nhiên là phòng bệnh sẽ tốt hơn chữa bệnh rồi. Cách tốt nhất để ngăn bệnh nấm trắng trên tép cũng như vô số loại bệnh khác là đảm bảo môi trường bể nuôi luôn sạch, không bị tích tụ cặn bẩn.

Để làm vậy thì bạn cần chăm sóc cho bể định kì.

Kể cả khi nước bể tép của bạn không có độc thì bể vẫn có thể sẽ dần dần tích tụ các chất gây hại về sau nếu không được chăm sóc thường xuyên. Bạn nên sử dụng cây hút cặn để có thể dọn dẹp đáy bể và thay nước cho bể hàng tuần.

Lượng nước tối ưu nên được thay cho bể là vào khoảng 10-15% lượng nước bể mỗi tuần. Thay nước cho bể định kỳ sẽ giúp cho tép luôn có nguồn nước sạch nhất và cũng giúp cho tép tránh được các bệnh có thể xuất hiện về sau.