23/11/2024

Nguyên nhân và cách cứu tép bị hở cổ

Tép là loài đặc biệt nhạy cảm, nhạy cảm với nước hơn nhiều so với cá. Vậy nên khi bạn nuôi tép bạn phải để ý kỹ đến chất lượng nước và dinh dưỡng cho tép hơn. Nếu một trong hai yếu tố đó không đúng thì tép sẽ dễ bị các vấn đề về sức khỏe. Một trong số đó là tép bị hở cổ. 

Thank you for reading this post, don't forget to subscribe!

Thường tình trạng này khá nguy hiểm và sẽ dẫn đến việc tép bị chết. Tuy nhiên vẫn có trường hợp tép khỏe lại được nếu được chữa trị đúng cách.

Tép bị hở cổ là gì?

Giống như nhiều loại động vật không xương sống khác, tép có lớp vỏ ngoài để bảo vệ bản thân. Trong quá trình tép phát triển, chúng sẽ lột xác để có thể thoát khỏi lớp vỏ trật trội cũ và phát triển lớp vỏ mới lớn hơn.

Trong điều kiện bình thường, tép trưởng thành sẽ lột vỏ sau khoảng 3-4 tuần. Tép con thì sẽ lột vỏ thường xuyên hơn bởi chúng lớn nhanh hơn, thường là 1-2 tuần một lần.

Tép bị hở cổ là một trong những vấn đề tép dễ gặp phải nhất trong quá trình lột vỏ. Thông thường khi tép lột vỏ, chúng sẽ hấp thụ nước để lớn hơn và làm vỡ lớp vỏ cũ. Nếu đúng thì vỏ của tép chỉ vỡ ở phần phía sau đầu, đó là điểm tép sẽ nhảy và thoát ra.

Hình ảnh vỏ tép khi vỡ đúng cách

Nhưng đôi khi lớp vỏ cũ của tép sẽ không vỡ đúng cách, chúng có thể sẽ bị tách đôi hoàn toàn thay vì chỉ vỡ ở phần phía sau đầu. Khi đó sẽ xảy ra tình trạng bạn đang thấy là tép sẽ bị hở cổ.

Việc lớp vỏ cũ của tép vỡ đôi ra sẽ làm lộ ra phần thân trắng bên trong và khiến tép gặp khó khăn trong việc thoát ra khỏi lớp vỏ cũ. Thông thường tép sẽ bị mắc kẹt, bị stress và sẽ chết sau một vài ngày.


Nguyên nhân khiến tép bị hở cổ

1. Chất lượng nước kém

Nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho tép gặp vấn đề về lột vỏ, bị hở cổ là do chất lượng nước kém.

Để tép có thể lột vỏ thành công, an toàn thì bạn phải cân bằng nhiều thông số nước khác nhau.

Các thông số kể đến là độ cứng của nước (GH) và tính axit của nước hay còn nói cách khác là độ pH.

Chất lượng nước kém, bẩn sẽ không trực tiếp ảnh hưởng đến việc tép lột vỏ thành công hay không. Tuy nhiên, khi môi trường sống không phù hợp thì tép cũng sẽ bị stress khiến cho việc trao đổi chất gặp ảnh hưởng, từ đó khiến cho tép không thể hấp thụ được lượng canxi cần thiết để có thể lột vỏ thành công.

Cách tốt nhất để bạn có thể kiểm tra nguồn nước của mình có đảm bảo để nuôi tép là sử dụng các bộ test hoặc dụng cụ test chất lượng nước.

2. Tép bị thiếu chất

Nguyên nhân thứ hai khiến cho tép gặp vấn đề về lột vỏ, dẫn tới việc tép bị hở cổ là thiếu chất. Tép có thể hấp thụ canxi, magie thông qua thức ăn và môi trường sống. Nếu môi trường sống của bạn không có đủ độ cứng thì bạn vẫn có thể giúp tép sống tốt bằng cách cung cấp cho chúng thức ăn chứa đầy đủ khoáng.

Tép cần được cho thức ăn chuyên dụng và không thể chỉ dựa vào thức ăn thừa của cá, rêu để sống tốt được.

Chúng cần chế độ ăn giàu protein và canxi. Những chất này giúp cho tép có thể tạo ra được lớp vỏ cứng và khỏe trong quá trình lột vỏ.

Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý là không sử dụng nước quá cứng để nuôi tép bởi khi hấp thụ quá nhiều canxi, vỏ tép có thể trở nên quá cứng và chúng không thể làm vỡ vỏ để chui ra ngoài được. Cuối cùng cũng có thể dẫn đến chết.

3. Thay quá nhiều nước

Việc thay quá nhiều nước có thể dẫn tới việc làm thay đổi môi trường sống của tép trong thời gian quá ngắn. Từ đó khiến cho tép bị stress và ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của chúng.

Tuy rằng việc thông số nước thay đổi không gây ảnh hưởng nhiều đến tép miễn là thay đổi trong khoảng thời gian đủ dài. Nếu bạn làm thay đổi môi trường quá đột ngột thì không chỉ tép mà các loại cá cũng có thể bị chết do stress.


Bạn có nên gỡ vỏ cho tép không?

Khi tép bị hở cổ nghĩa là chúng đang bị mắc kẹt trong lớp vỏ cũ, thường thì tình trạng này sẽ dẫn đến việc tép bị chết.

Vậy bạn có nên tự mình gỡ vỏ cho chúng không? Mặc dù có một số người đã dùng nhíp và gỡ thành công cho tép nhưng mà mình khuyên bạn không bao giờ nên làm vậy.

Tép khá là nhạy cảm và bạn sẽ có thể dễ dàng giết chúng bằng nhíp nếu không cẩn thận. Vậy nên nếu bạn không phải là chuyên gia thì khả năng cao là bạn sẽ giết tép trong quá trình này.

Hơn nữa là bạn có thể khiến cho chúng bị stress, kể cả khi bạn gỡ được vỏ cho tép thì chúng vẫn bị ảnh hưởng và dễ tử vong sau đó.


Vậy cách tốt nhất để cứu tép là gì?

Tép vẫn có thể tự thoát khỏi lớp vỏ bị vỡ trong một số trường hợp. Vậy nên việc của bạn bây giờ là cung cấp cho chúng môi trường sống tốt nhất, cho chúng ăn đầy đủ chất để tép có thể khỏe hơn và tự mình thoát khỏi lớp vỏ cũ.

Cần làm gì khi tép bị hở cổ

1. Cải thiện chất lượng nước

Đầu tiên là bạn hãy ổn định lại môi trường nước. Dù cho thông số có thể quan trọng nhưng độ ổn định của bể vẫn quan trọng hơn.

Bể của bạn có nuôi quá nhiều cá không? Hệ thống lọc của bạn có quá bé so với bể không? Bể của bạn có vừa mới làm và đã thả tép không? Nếu câu trả lời cho một trong những câu hỏi trên là có thì bạn hãy nuôi ít cá đi, mua bộ lọc mới với vật liệu lọc đầy đủ. Và bạn hãy đợi một thời gian để cho hệ vi sinh của bể hoạt động tốt thì bể mới ổn định được.

  • Quan trọng hơn hết là bạn nên thay 10% nước bể mỗi tuần để loại bỏ các chất độc hại tồn đọng trong nước mà lọc không thể xử lý được .
  • Tiếp theo bạn hãy mua bộ kit để test thông số nước, cụ thể là độ cứng và pH.
  • Độ cứng nên nằm trong khoảng 100-300 còn độ pH nên vào khoảng 6.5-7.5.

Tuy rằng thông số cơ bản nên là vậy nhưng mỗi loại tép sẽ có một thông số nước ưa thích khác nhau nên bạn hãy tìm hiểu về các loại tép đang nuôi trong bể để có thể cho chúng môi trường sống tốt nhất.

Nếu bể của bạn có nước quá cứng thì bạn cần phải sử dụng nước lọc RO để pha thêm vào bể. Nếu nước của bạn quá mềm thì bạn hãy mua các loại khoáng cho tép để châm thêm.

2. Châm thêm khoáng cho tép

Khoáng trong nước không chỉ giúp cho tép hấp thụ canxi tốt hơn, tránh được việc lột xác không thành công và còn giúp cho lớp vỏ của tép nhanh chóng cứng lại hơn sau khi lột vỏ. Khoáng cũng đồng thời giúp cho tép phát triển tốt và khỏe mạnh hơn.

Bạn có thể mua khoáng nước cho tép để có thể kiểm soát khoáng cũng như châm dễ dáng hơn.

Có một cách khác nữa là để bạn có thể bổ sung khoáng cho nước là sử dụng vỏ trứng.

Trong vỏ trứng gà có chứa tới 94% là canxi carbonat và các loại khoáng khác như magie, boron, sắt, kẽm,… có thể giúp bổ sung dinh dưỡng cho tép. Cách làm như sau:

  • Đầu tiên là bạn luộc vỏ trứng trong vòng 5-10 phút để diệt vi khuẩn.
  • Để cho vỏ trứng khô lại.
  • Nướng vỏ trứng trong lò vi sóng, lò nướng để giúp cho vỏ trứng hoàn toàn khô lại và giòn. Nướng cũng giúp bạn đốt lớp màng dính trên vỏ trứng.
  • Cho vỏ trứng vào máy xay và xay đến khi chúng nhuyễn thành bột.
  • Cho một ít bột vỏ trứng vào trong bể tép. Thế là xong rồi đó, bạn đã giúp cho nước bể có thêm canxi để tép dễ hấp thụ hơn

Lưu ý: ban đầu vỏ trứng có thể nổi nhưng chúng sẽ sớm chìm xuống sau đó.

3. Cải thiện chất lượng thức ăn cho tép

Như đã nhắc đến bên trên thì tép cần được cho ăn chế độ ăn giàu protein và canxi.

Ngoài ra tép cũng cần phải được thêm các loại nguyên tố vi lượng khác có trong cả thực vật và động vật. Trong tự nhiên, tép là loài ăn tạp và chúng sẽ ăn mọi thứ ngoài thiên nhiên vậy nên bạn nên cần cho tép khẩu phần ăn đa dạng.

Bạn cần phải có loại thức ăn chìm cho tép bởi chúng là loài bơi rất kém.

Các loại thức ăn nổi cho cá sẽ khó có thể chìm xuống cho tép ăn và chúng cũng sẽ không cung cấp đủ dinh dưỡng cho tép.

Ngoài các loại thức ăn chuyên dụng cho tép ra thì bạn có thể cho tép ăn các loại rau để bổ sung canxi. Có thể nói rau luộc là nguồn thức ăn tự nhiên tốt nhất cho tép.


Kết lại

Tép bị hở cổ là tình trạng nguy hiểm, có thể giết tép sau khoảng vài ngày. Nguyên nhân khiến cho chúng bị hở cổ là do quá trình lột vỏ không thành công, thường là do tép bị thiếu khoáng.

Nguyên nhân khiến cho tép bị thiếu khoảng có thể là do tép bị stress, không tổng hợp được canxi, nước nuôi tép quá mềm, chất lượng thức ăn cho tép không tốt.

Khoáng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vỏ của tép. Bạn có thể bổ sung thêm khoáng cho tép bằng các loại sản phẩm khoáng tép được bán ngoài các cửa hàng thủy sinh.

Ngoài ra bạn cũng bổ sung thêm khoáng chất cho tép bằng cách cho chúng ăn các loại thức ăn chuyên dụng hoặc các loại rau giàu canxi.

Bạn cũng tránh việc làm tép bị tress bằng việc thay đổi môi trường sống của chúng quá đột ngột như là thay nước hoặc chuyển chúng sang bể mới mà không cho tép làm quen với nước trước