Cây thủy sinh bị vàng lá: nguyên nhân và cách chữa trị
Cây thủy sinh bị vàng lá: nguyên nhân và cách chữa trị
Mới đây bể cá của bạn vẫn còn xanh mướt với các bụi cây thủy sinh trên nền hoặc gắn trên đá và cá bơi giữa bể. Tuy nhiên, cây có thể sẽ mất dần màu xanh, chuyển vàng và thậm chí là chết.
Thank you for reading this post, don't forget to subscribe!Đây là vấn đề thường gặp đối với cây thủy sinh và có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau. Phổ biến nhất trong số đó là cây bị thiếu ánh sáng hoặc thiếu dưỡng.
Trong bài viết này mình sẽ nói về 6 nguyên nhân phổ biến nhất có thể khiến cây bị vàng lá và cách giải quyết vấn đề.
1. Cây bị thiếu dinh dưỡng (Nitơ, Kali, Sắt, Magie, Canxi)
Nếu cây thủy sinh của bạn gặp vấn đề về phát triển thì nguyên nhân phổ biến bạn đang gặp phải là cây đang bị thiếu dưỡng. Đó có thể là các nguyên tố đa lượng như Nitơ, Canxi, Magie, Kali hoặc vi lượng như là Sắt. Khi cây gặp vấn đề về dinh dưỡng, chúng sẽ không thể tổng hợp được diệp lục để có thể tạo ra màu xanh được.
-
Thiếu Nitơ
Tình trạng cây thiếu Nitơ xảy ra rất nhiều tại các bể của người mới nuôi. Bạn có thể đã vô tình thay nước quá nhiều, do đó cũng vô tình lấy hết nguồn Nitơ để cho cây phát triển. Cây có thể lấy được Nitơ từ dinh dưỡng của phân nền hoặc từ các chất thải hữu cơ trong bể. Thay nước nhiều trong trường hợp này chỉ tốt cho cá nhưng sẽ gây hại cho cây, kể cả khi bạn thêm phân nước đều đặn.
Dấu hiệu cây bị thiếu Nitơ là lá cũ chuyển vàng và dần trở nên trong suốt, đặc biệt là ở phía đầu lá. Lý do là cây đang hấp thụ Nitơ từ lá cũ, già ở phía dưới để mọc thêm lá con bên trên.
-
Thiếu Sắt
Biểu hiện của việc cây bị thiếu sắt là lá mới mọc bị vàng lá nhưng gân lá vẫn giữ được màu xanh. Các lá già mặt khác vẫn bình thường và không có dấu hiệu bị vàng.
Khi cây bị thiếu sắt thì bạn nên mua loại phân nước chứa nhiều sắt như phân nước cho cây lá đỏ.
-
Thiếu Phốt phát
Phốt phát là nguyên tố đa lượng khác giống như Nitơ. Khi cây thiếu Phốt phát thì lá cây già sẽ dần chuyển vàng với các đốm nâu. Lá cũng có thể bắt đầu xuất hiện rêu đốm xanh khi lá cây chết dần.
Trường hợp này không phổ biến bởi trong thức ăn bình thường cho cá cũng có đủ phốt phát để cho cây phát triển. Tuy nhiên, nếu bạn thay quá nhiều nước thì cây vẫn có thể bị thiếu loại dưỡng này.
-
Thiếu canxi
Nếu bạn thấy lá mới bị xoăn, quăn lại và chuyển vàng thì có thể là do cây bị thiếu canxi. Nếu bạn sử dụng nước lọc RO để nuôi cá hoặc nuôi tép thì bạn cần phải châm thêm khoáng cho cây. Bạn cũng có thể tăng độ canxi cho nước bằng cách cho vỏ sò nghiền hoặc trứng nghiền vào trong lọc.
2. Thiếu sáng
Giống như cây cối bình thường, cây thủy sinh vẫn cần ánh sáng để quang hợp. Một số loại cây cần ít ánh sáng, một số thì cần nhiều nhưng trung bình thì cây cần phải có từ 8-11 tiếng chiếu sáng một ngày để có thể phát triển.
Kể cả khi bể của bạn có đầy đủ dinh dưỡng, nước sạch thì cây cũng không thể tận dụng được nếu được chiếu sáng quá ít. Bạn cần phải có một chiếc đèn thủy sinh chuyên dụng và chiếu sáng cho cây ít nhất 6-8 tiếng đều đặn mỗi ngày.
Các loại đèn led bình thường sẽ không có quang phổ đúng để cung cấp các loại ánh sáng cần thiết cho cây quang hợp.
Xem thêm: Điểm khác biệt giữa đèn thủy sinh và đèn led thường.
3. Nhiệt độ
Thông thường cây thủy sinh sẽ thích nước mát. Đó là lý do mùa đông tại Việt Nam được gọi là mùa thủy sinh. Bởi nhiệt độ tại khu vực nhiệt đới vào mùa đông khá hợp lý để cây thủy sinh phát triển – không quá lạnh và không nóng. Cây cối thủy sinh vào mùa này thường sẽ xanh tốt.
Một số loại cây sẽ bị vàng lá nếu nhiệt độ bể quá cao, điển hình là một số loại rêu như minifiss. Để tránh cho bể quá nóng vào mùa hè thì bạn cần phải tránh ánh năng mặt trời chiếu vào bể, sử dụng quạt hoặc nếu bạn đầu tư hơn thì có thể mua một bộ chiller cho bể.
4. Cây bị thiếu CO2
Một số loại cây khó có thể trồng nếu bạn không bổ sung thêm CO2 vào trong bể. Có thể kể đến là cây sao nhỏ, tiêu thảo flamingo, trân châu ngọc chai, … CO2 đóng vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp của cây, thiếu nó thì cây cũng sẽ không thể trao đổi chất và từ đó không thể tạo ra diệp lục được.
Xem thêm: Viên nén CO2 cho hồ thủy sinh có tốt không
Bạn hãy kiểm tra xem loại cây mình trồng có khó trồng không. Hầu hết loại cây đều có thể trồng được nếu bạn kiểm soát các yếu tố như là dinh dưỡng và ánh sáng. Tuy nhiên, các loại cây đòi hỏi cao thì sẽ khá chậm lớn, còi cọc. Một số loại cây khác lại có thể sống tốt trong môi trường nghèo CO2 hoặc thậm chí là nghèo sáng.
Xem thêm: Cây thủy sinh không cần CO2 và nhiều ánh sáng
5. Lá cây bị già
Nếu bạn đã thử thêm phân nước, ánh sáng cũng như có thể thêm CO2 và cây vẫn không phản ứng gì thì có thể là do lá cây đã già.
Lá cây sẽ phát triển liên tục và già dần rồi chết đi. Thời gian lá cây già và chết sẽ tùy thuộc vào mỗi loại cây. Bạn không thể làm gì trong trường hợp này.
6. Cây bị bệnh
Cây cũng có thể bị các bệnh do virus, vi khuẩn hoặc nấm nếu nước bể bị bẩn. Lá cây bị vàng có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy cây đang bị bệnh, sau đó bệnh có thể lan sang các cây khác. Cuối cùng cây thủy sinh có thể bị chết hàng loạt.
Để hạn chế trường hợp này thì bạn cần phải thay nước cho bể thường xuyên. Đồng thời bạn cũng nên sử dụng bộ lọc đủ mạnh cho bể cá mình đang nuôi.
Xem thêm: Cách chọn lọc cho bể thủy sinh.
Cách tránh tình trạng cây bị vàng lá
1. Chọn loại cây phù hợp
Chọn loại cây phù hợp với điều kiện bể cá là bước đầu tiên để có thể chăm sóc cho bể thủy sinh khỏe mạnh. Nếu bạn không đầu tư nhiều vào bộ đèn, CO2 cho bể thủy sinh thì bạn hãy chọn những loại cây thủy sinh không yêu cầu cao.
Nếu bạn đầu tư thì bạn có thể chọn những loại cây có chế độ chăm sóc cao hơn.
Tiếp theo là xét đến vị trí trong bể. Bạn cần phải chọn loại cây mọc cao để trồng đằng sau, tránh việc chúng che sáng của các cây mọc thấp. Nếu bạn có cây có thể mọc to như sen tiger thì bạn cũng nên cho chúng đủ không gian để cây có thể phát triển.
2. Thêm phân nước
Khi nuôi bể thủy sinh trong khoảng thời gian dài thì bể sẽ bị cạn dưỡng. Đây là thời điểm bạn nên sử dụng thêm phân nước . Mặc dù thức ăn, phân cá cũng có thể cung cấp cho cây thủy sinh một phần nhưng lượng dinh dưỡng đó sẽ không bao giờ đủ.
Nếu không biết rõ cây đang bị thiếu hụt loại dưỡng gì thì bạn có thể mua loại phân nước all in one để bổ sung toàn bộ lượng dưỡng cần thiết cho cây. Tuy nhiên, việc thêm phân nước cho bể cũng có thể khiến cho rêu hại phát triển. Trong trường hợp này bạn cần giảm lượng phân nước cho thêm, giảm ánh sáng và đồng thời giảm thời lượng chiếu sáng cho bể.
3. Thêm ánh sáng
Tùy thuộc vào loại cây mà nhu cầu ánh sáng của chúng có thể khác nhau. Bể bạn càng trồng nhiều cây thì chúng càng cần nhiều ánh sáng. Hơn hết nữa là bạn cần phải sử dụng loại đèn thủy sinh chuyên dụng để có thể cung cấp cho cây loại ánh sáng phù hợp để phát triển.
4. Cung cấp môi trường ổn định
Giống như nuôi cá vậy, ổn định là chìa khóa đến việc chăm cây thủy sinh thành công. Nếu bạn thêm phân nước định kì thì hãy làm vậy đúng theo lịch. Bạn không nên quên châm phân nước và bổ sung gấp đôi vào lần sau. Hoặc bạn cũng không nên thay quá nhiều nước cho bể trong một lần. Thời gian chiếu sáng cũng nên giống nhau vào mỗi ngày.