22/11/2024

VẤN ĐỀ VỀ NƯỚC TRONG VIỆC CHĂM SÓC CÁC LOÀI LƯỠNG CƯ

Đây là một trong những vấn đề mà mình tính lên bài lâu rồi nhưng vẫn còn ấp ủ vì đang trong quá trình tìm hiểu và đọc thêm. Và cuối cùng, mình cũng rút ra được một vài kết luận nho nhỏ, hy vọng sẽ có ích cho nhưng bạn thích chăm sóc lưỡng cư và đang tìm hiểu như mình.
Như hầu hết mọi người đều biết là lưỡng cư (ếch, nhái, cá cóc, sa giông, ếch giun,…) cần ẩm khá cao so với những dòng thú cưng khác (trừ cá), và rất thích ngâm mình trong nước. Làn da của bọn này khá mỏng và nhạy cảm, cộng với việc tụi nó có thể hấp thụ rất nhiều chất qua da nên nguồn nước đối với chúng rất quan trọng.
Ngoài việc hấp thụ nước để điều hòa cơ thể, bọn này còn hấp thụ dinh dưỡng qua nước, nhất là các chất khoáng như Ca, Mg, K, Na,…
Hiện nay thì mình cũng thấy xuất hiện khá nhiều tình trạng ếch bị niểng chân, lỗi hàm, bỏ ăn, lừ đừ, tích nước,…v.v và tỷ lệ tử vong cao, nhiều bạn nhắn hỏi nhưng vì mình vẫn đang trong quá trình thử nghiệm nên không trả lời được.
Vấn đề ở đây sau khi tìm hiểu thì mình phát hiện ra được một số vấn đề như sau:
  • Ở giai đoạn nòng nọc, thường các trang trại cũng như người nuôi sẽ thường nuôi ếch bằng nước máy, dẫn đến 2 vấn đề: 1 là clo dư khá cao (đối với ếch nhái), 2 là các chất khoáng khá ít, hầu như không có hoặc chỉ có 1-2 chất khoáng cao (nước cứng), còn lại thấp hoặc không có => Thiếu khoang chất từ giai đoạn nòng nọc (giai đoạn cần rất nhiều chất) sau khi biến thành ếch thì lượng khoáng còn lại rất thấp, nhất là canxi, dễ gây các lỗi như hở hàm, niểng, vẹo cột sống,…v.v
  • Thức ăn của lưỡng cư ở dạng nòng nọc theo quan sát cá nhân của mình vẫn còn thiếu đa dạng, chủ yếu là trùn chỉ, bo bo => Thiếu nhiều loại khoáng chất, vitamin.
  • Ở giai đoạn lớn, chủ yếu các trại và người nuôi sẽ vẫn nuôi lưỡng cư trong nước máy, vấn đề tiếp tục như trên, ngoài ra, chúng thường được cho ăn cá chép mồi, một loại thực phẩm không tốt lắm cho lưỡng cư vì nó chứa nhiều chất phân giải vitamin B1 (chất này rất quan trọng), nhưng không bổ sung kèm vitamin để tránh hao hụt => Vấn đề xảy ra từ bé đến lớn => Những vấn đề này dẫn đến nhiều bệnh, trong đó có loại bệnh mà người ta phải “kích tiểu” con ếch.
Vì vậy, rất nhiều người, kể cả người chơi lâu năm đều nói rằng nhiều loài lưỡng cư, nhất là ếch pacman “yếu”, “dễ đột tử”,”hay tích nước”,… và đổ lỗi do giống vật nuôi này mà không biết vấn đề đó là do người nuôi.
Vậy thì những vấn đề này nên giải quyết như thế nào?
  • Rất đơn giản. Các bạn có thể nuôi ếch bằng nước sôi để nguội hoặc nước máy đã thêm chất khử clo (những sản phẩm này rất dễ tiếp cận), bổ sung thêm khoáng vào nước theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất (một số sản phẩm mình hay xài là khoáng tạt của Mr. BioFish, Nutrafin hoặc các loại khoáng tép, các loại muối dùng nuôi cá biển như Blue Treasure, RedSea,… chiết lẻ)
  • Cho ăn đa dạng các loại thực phẩm như giun đất, cá lóc mồi, cá trân châu, sâu, dế, gián dubia, redrunner,… VÀ QUAN TRỌNG NHẤT là bổ sung các loại thực phẩm bổ sung như canxi kèm vitamin D3 định kỳ (thường là 1 tuần 1 lần, không ngộ độc đâu mà lo);
Tuy nhiên, tối ưu nhất vẫn là sử dụng canxi KHÔNG D3 1 tuần 1 lần và vitamin CÓ D3 2 tuần 1 lần, kết hợp men vi sinh 1 tháng 1 lần và ngâm điện giải 1 tháng 1 lần.
Có thêm 1 vấn đề nữa hay dẫn đến bệnh ở các loài lưỡng cư, đó chính là nuôi bằng mùn dừa. Nuôi bằng mùn dừa sẽ… chả sao cả, nhưng mà đó là trong trường hợp đã được xử lý. Mùn dừa có tín axit rất cao do nó chứa nhiều axit tannic (không tin thì đun sôi, vắt khô rồi nếm thử cái nước đó là biết), nên trước khi cho đám ếch nhái vào nuôi, các bạn nên đun sôi, vắt khô, trộn một ít bột canxi KHÔNG D3 vào (đến khi thấy đống mùn dừa hơi đổi màu là được). Đã thiếu khoáng mà còn nằm trong đất có tính axit thì ông nội nó còn bệnh nữa là.
Nói thêm về vấn đề tích nước, quan niệm ếch nhái hay tích nước và phải kích tiểu là sai lầm. Như đã nói, ếch nhái trao đổi nước qua da, và nó hoạt động theo cơ chế thẩm thấu. Khi các chất bên ngoài môi trường ít hơn bên trong cơ thể, nó sẽ hút nước từ ngoài vào (nhược trương); khi chất bên ngoài nhiều hơn, chúng sẽ nhả nước ra (ưu trương), cốt để cân bằng môi trường ngoài và trong.
Tuy nhiên, khi bên ngoài chả có chất gì cả thì cơ thể con ếch/nhái/cóc/sa giông,… sẽ hút nước liên tục trong vô vọng để tìm ra được chất gì đấy từ bên ngoài mà không thải ra, mà uống nhiều, đ*i ít thì thận nó sẽ bị hỏng. Trong những trường hợp kéo dài như vậy thì lâu ngày, thận nó sẽ không thải nước một cách tự nhiên được mà phải dùng vòi xịt (kích tiểu), mà đó thì cũng chỉ là giải pháp tạm thời, không triệt để.

Và trên đây là tất cả những gì mình tìm hiểu được, hy vọng nó có thể giúp ích mọi người dù là mới chơi hay chơi lâu rồi. Mình rất vui vẻ nếu được tham khảo thêm kiến thức nên rất vui nếu được thông tin thêm.