Giới thiệu Tép amano – tép yamato: đặc điểm, cách chăm sóc và sinh sản
Giới thiệu Tép amano – tép yamato: đặc điểm, cách chăm sóc và sinh sản
Tép amano là một trong những loại tép cảnh phổ biến nhất hiện nay. Chúng là loài ưa hoạt động với đồ ăn yêu thích là rêu hại. Bể của bạn đang có vấn đề rêu hại? Không thành vấn đề bởi đã có tép amano rồi. Chúng có thể xử lý được cả những loại rêu cứng đầu như là rêu tóc, rêu sừng hươu và rêu chùm đen.
Thank you for reading this post, don't forget to subscribe!Trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn các bạn cách chăm sóc loài tép này.
Về tép amano
Tép amano có thể được tìm thấy tại Nhật Bản và Đài Loan. Chúng bắt đầu được nuôi làm cảnh vào những năm 1980 bởi ngài Takashi Amano – một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn đến giới thủy sinh hiện đại ngày nay.
Môi trường sống tự nhiên của chúng là tại những con sông, suối nước ngọt. Tuy nhiên, khi sinh sản, ấu trùng của loài tép này sẽ được dòng nước đưa ra biển. Khi chúng phát triển thành tép trưởng thành thì loài tép này sẽ tìm lại đường về khu vực nước ngọt, giống như là cá hồi vậy.
Ngoại hình và kích cỡ
Tép amano trưởng thành có thể đạt kích thước vào khoảng 5cm. Khi nuôi tại bể cá tại nhà thì chúng sẽ có kích thước trung bình là 3cm. Khi mua tép, bạn không nhất thiết phải chọn những con tép to. Tép nhỏ sau khi được nuôi có thể phát triển nhanh chóng và sẽ làm quen khi được thay đổi môi trường mới tốt hơn.
Tép amano thường trong suốt với màu hơi xám, chúng cũng có thể có ánh xanh, nâu nhạt hoặc là đỏ. Tép có các dải sọc nét đứt chạy dọc hai bên thân. Các dải này cũng là cách giúp bạn có thể phân biệt được tép amano đực và cái. Tép amano đực sẽ có dải sọc tạo thành nét đứt đều hơn. Trong khi đó tép cái sẽ có dải sọc đứt ngắt quãng, không liền mạch.
Cách chăm sóc tép amano
May mắn là tép amano không phải là loài đòi hỏi cao về môi trường sống. Chúng có thể sống theo nhóm hoặc sống một mình cũng được. Chũng có thể sống trong bể có không gian mở, nhiều chỗ bơi lội hoặc bể trồng nhiều cây cối. Tép amano có thể thích nghi với nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Tuy vậy, bạn vẫn nên cho chúng môi trường sống ổn định, mang tính nhiệt đới và có nhiều rêu xanh để cho tép ăn. Thông số phù hợp để nuôi tép là:
- Nhiệt độ: 22-28 độ C
- Độ pH: 7.2 -7.5
- Độ cứng: 100-400 ppm
Tép amano thích nước hơi cứng một tẹo, bể có dòng chảy trung bình. Và giống như khi nuôi mọi loài tép khác, bạn cần cẩn thận khi sử dụng thuốc, để ý kỹ đến ammonia và nitrite trong bể.
Tuổi thọ của tép amano
Tép amano có tuổi thọ trung bình vào khoảng 2 đến 3 năm. Nhiều khi, tép có thể chết sau khi mới được thả vào bể. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là tép bị sốc nước và stress.
Để tép có thể sống lâu, mạnh khỏe thì bạn nên cho tép môi trường sống ổn định với nhiều rêu xanh để ăn.
Tép amano ăn gì?
Tép amano không phải là loài kén ăn. Từ lâu, tép amano đã được gọi là “công nhân dọn rêu” bởi khả năng tìm và ăn rêu hại tuyệt vời của chúng.
Ngoài rêu thì chúng có thể ăn các nguồn thức ăn khác có trong bể. Cây thủy sinh sẽ liên tục rụng lá hoặc là tạo ra các loại thải hữu cơ khác. Tép amano có thể ăn bất cứ loại lá cây chết hoặc thức ăn thừa cho cá nào rơi xuống dưới đáy bể. Vậy nên bạn không nên nuôi tép trong những bể quá sạch. Bể cá quá sạch đôi khi sẽ không có đủ thức ăn tự nhiên để cho tép ăn. Ngoài ra, nếu bạn để ý thấy tép bị thiếu đồ ăn thì bạn có thể cho tép ăn thêm các loại đồ ăn khác như là viên tảo xoắn , rau củ quả luộc hoặc là các loại đồ ăn chuyên dụng cho tép
Tép amano có thể ăn được rêu gì?
Tép amano là một trong những loài ăn rêu hại tốt nhất, chúng có thể ăn được rêu tóc, rêu bụi xanh, rêu sừng hươu và rêu chùm đen. Tuy nhiên, để tép có thể dọn được rêu hiệu quả thì cũng cần phải có mẹo. Chúng chỉ xử lý rêu khi chúng đói, vậy nên nếu bể có nhiều rêu thì bạn nên hạn chế cho tép ăn thêm các loại thức ăn khác.
Tép amano sẽ không thể ăn được rêu đốm xanh bám kính. Vậy nên nếu bạn gặp loại rêu này thì bạn chỉ có thể giải quyết bằng cách cạo đi hoặc là nuôi ốc nerita.
Tập tính lột vỏ của tép
Tép amano sẽ lột vỏ năm đến sáu tuần một lần. Trong thời điểm chúng phát triển thì tép sẽ lột vỏ thường xuyên hơn.
Sau khi lột vỏ, tép sẽ cảm thấy bị đe dọa và trốn nhiều hơn cho đến khi lớp vỏ mới có thể cứng lên lại. Sau khi tép lột vỏ bạn không nên nhấc lớp vỏ cũ ra ngoài mà nên để lại trong bể. Tép amano đôi khi sẽ ăn lại lớp vỏ cũ để bổ sung lượng khoáng thiếu hụt.
Tép amano nuôi chung với gì?
Dù là loài tép to nhưng bạn cũng không nên nuôi chung chúng với các loài quá dữ hoặc quá to khác như là cá vàng, cá két hoặc là tôm hùm đất, …
Tép amano nên được nuôi chung với các loài cá có kích thước trung bình nhỏ, không quá dữ, các loại tép và ốc khác. Các loài phù hợp có thể kể đến là:
- Cá otto
- Cá chuột
- Ốc nerita
- Ốc sula
- Ốc táo
- Tép màu
- …
Tép amano là loài hiền lành, chúng sẽ giành hầu hết thời gian trong ngày bơi khắp bể kiếm thức ăn và sẽ không làm phiền đến các loài khác. Tép amano không quan trọng sống một mình hay sống theo bầy. Nếu bạn nuôi chúng theo bầy, khi cho ăn thì tép amano có thể tranh thức ăn lẫn nhau do chúng là loài tham ăn. Những con to khỏe có thể cắp miếng thức ăn và trốn đi chỗ khác để ăn dần. Chúng cũng có thể trộm thức ăn của những con tép amano bé hơn.
Sinh sản
Như đã nhắc đến bên trên, tép amano là loài cực khó sinh sản tại bể cá trong nhà. Lý do là bởi chúng sẽ không đẻ trong môi trường nước ngọt. Kể cả khi bạn có tép amano ôm trứng thì chúng sẽ xả hết trứng trước khi trứng nở. Hoặc là khi trứng nở thì ấu trùng sẽ không thể sống sót được. Nếu bạn nuôi tép amano sinh sản thì bạn cần phải làm vậy trong môi trường nước lợ. Kể cả khi bạn pha nước lợ với muối biển đúng tỉ lệ thì vẫn hiếm có trường hợp nuôi được tép sinh sản bởi ấu trùng tép amano đặc biệt nhạy cảm và cần có chế độ chăm sóc phù hợp.
Để có thể sinh sản được tép amano thì bạn sẽ cần:
- Một cặp tép amano đực và cái
- Muối biển (Muối chuyên dụng để pha nước cho hồ cá biển, tránh dùng muối tinh và muối i ốt)
- Chậu 3 lít nước ngọt
- Chậu 10 lít nước mặn
- Lọc vi sinh cho bể nuôi tép con
- Đèn cho bể nuôi tép con
- Nước lọc RO
- vợt nano
Trước khi sinh sản
Trước khi sinh sản tép amano thì bạn cần phải chuẩn bị bể nước mặn trước để nuôi ấu trùng tép amano
- Pha muối cho bể để nước có độ mặn vào khoảng 30-35 ppt (pha 30-35g muối cho 1 lít nước)
- Thêm sủi lọc vi sinh để muối có thể tan hết
- Bật đèn 24/24 trong vòng 1 tuần để rêu có thể mọc
- Khi nước bốc hơi bớt bạn nên thêm nước lọc R/O để bù lại
Tép amano sinh sản như thế nào
Khi tép amano đạt độ tuổi trưởng thành, chúng sẽ tự giao phối, mang trứng mà không cần bạn phải can thiệp.
Tép cái sau khi lột vỏ sẽ trốn, giải phóng pheromone vào nước. Tép đực sẽ đi tìm con cái để ghép cặp, thụ tinh cho trứng. Sau đó tép cái sẽ mang trứng trong khoảng 3-5 tuần cho đến khi ấu trùng tép phát triển hết.
Khi tép mang trứng vào tuần thứ 3, bạn cho tép vào bể 3 lít nước ngọt với sủi oxy nhẹ. Khi đó tép cái sẽ xả hết trứng trước khi nở. Sau đó bạn hãy tách tép mẹ ra và tiếp tục sủi để cung cấp oxy cho trứng và ngăn trứng bị nấm.
Trứng sẽ nở sau khoảng hai tuần.
Nuôi ấu trùng tép amano
Không giống như các loài tép màu hay tép lạnh khác, tép con mới nở sẽ có ngoại hình giống tép trưởng thành, chỉ bé hơn mà thôi. Tép amano mới đẻ ra sẽ có dạng ấu trùng, trải qua vài lần lột xác chúng mới có thể có ngoại hình tương tự như tép trưởng thành.
Sau khi trứng nở, ấu trùng tép sẽ sống khoảng 1 tuần trong nước ngọt. Bạn có thể bắt tép con ra và chuyển chúng luôn vào bể nước mặn đã chuẩn bị sẵn. Bạn không cần phải cho tép làm quen trước với nước. Tép sẽ cần khoảng 2-3 tháng để có thể phát triển, lột vỏ và có được hình dáng giống tép trưởng thành.
Bạn không cần phải cho tép con ăn nếu trong bể vẫn có rêu ở trên thành kính. Cho tép con ăn quá nhiều có thể gây bẩn nước và làm chúng bị chết. Nếu bể hết rêu thì bạn có thể cho tép con ăn bột tảo xoắn.